Tiêu chuẩn thiết kế công trình xanh
TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XANH
Thời gian gần đây, trào lưu xây dựng Công trình Xanh đang khá rầm rộ trên thị trường. Từ dự án bình dân đến dự án cao cấp, từ biệt thự, đất nền đến căn hộ chung cư, cứ dự án nào gắn với mác “Xanh” sẽ nhận được sự quan tâm rất lớn của khách hàng. Tuy nhiên, thế nào là Công trình Xanh và tiêu chuẩn thiết kế công trình Xanh là gì thì không phải ai cũng hiểu. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin để giúp bạn hiểu rõ hơn về các vấn đề này.
I. CÔNG TRÌNH XANH LÀ GÌ?
Công trình xanh (CTX) trong tiếng Anh được gọi là Green building.
Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) định nghĩa: Công trình Xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng hoặc vận hành giảm thiểu các tác động xấu và có thể tạo ra những tác động tích cực đối với khí hậu và môi trường của chúng ta. Công trình Xanh bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) định nghĩa: Công trình Xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.
CTX không chỉ đơn thuần là công trình có màu xanh của cây cỏ. Nếu chỉ là màu xanh cây cỏ trên công trình thì nó giống như một cây giả, vẫn có màu xanh nhưng không có sức sống, không hấp thụ Cacbonic và thải ra khí Oxi được.
Muốn thành CTX cần phải thoả mãn các là tiêu chuẩn của CTX về nhiều hạng mục từ thiết kế, vật liệu sử dụng, quá trình xây dựng,… Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này chỉ sẽ đề cập đến tiêu chuẩn về thiết kế của CTX.
“Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX” không được coi là quy chuẩn thiết kế hoặc xây dựng công trình (Building Code), bởi Quy chuẩn là các tiêu chí bắt buộc thấp nhất (giới hạn sàn) phải đạt được để được cấp phép xây dựng. Các tiêu chí CTX là những mong muốn cao hơn Quy chuẩn vì lợi ích của cộng đồng, của xã hội và xa hơn cho cả Trái đất trong tương lai.
II. VÌ SAO CÔNG TRÌNH XANH LẠI QUAN TRỌNG
Đô thị hóa gây sức ép rất lớn lên hệ sinh thái và môi trường. Trước hết, đất nông nghiệp trở thành đất đô thị để xây dựng các công trình phục vụ người dân, hệ thống giao thông, các khu công nghiệp. Không chỉ ruộng đồng mà cả rừng cây, ao hồ, sông ngòi cũng dễ dàng bị mất. Các sinh vật bị đuổi khỏi nơi sinh sống.
Thay cho các bề mặt tự nhiên là bề mặt của công trình xây dựng, giao thông, hấp thụ mạnh bức xạ mặt trời, làm cho nhiệt độ các đô thị tăng cao.
Cùng với các chất thải (rắn, khí, lỏng) từ hoạt động của con người trong các đô thị, của giao thông vận tải, của công nghiệp, môi trường đô thị bị thay đổi mạnh so với môi trường tự nhiên. Bất lợi không chỉ đối với con người mà còn góp phần tạo ra những biến đổi lớn, có tính tích lũy, gây đột biến đối với hệ sinh thái và môi trường khu vực và toàn cầu.
CTX là xu hướng xây dựng trong tương lai bởi thực trạng về môi trường, khan hiếm tài nguyên,… như chúng tôi vừa nêu trên cần những công trình giảm thiểu biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên. Đó là lý do xu hướng CTX được dự báo là xu hướng tương lai.
Mục tiêu chung của các công trình xanh là giảm tác động tổng thể của môi trường xây dựng lên sức khỏe con người và môi trường tự nhiên bằng cách:
- Sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác.
- Bảo vệ sức khỏe của người cư ngụ và cải thiện năng suất của nhân viên
- Giảm chất thải, ô nhiễm và suy thoái môi trường
Bên cạnh những lợi ích cho môi trường thì lợi ích kinh tế luôn là một yếu tố quan trọng trong quyết định của chủ đầu tư.
- Chi phí đầu tư ban đầu của CTX cao hơn công trình thông thường cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%. Nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác.
- Do đó, chỉ sau 4-5 năm vận hành CTX, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư. Từ năm thứ 5 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn.
- CTX giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh giúp giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, nhanh chóng bù lại cho các chi phí phụ trội của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Số tiền trước đây dành cho chi phí tiện ích có thể được sử dụng cho những mục đích khác.
III. CÁC TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XANH HIỆN NAY LÀ GÌ?
Hiện nay, có 3 tiêu chuẩn phổ biến để đánh giá chất lượng và mức độ “xanh” của một công trình khu dân cư; đó là: Tiêu chuẩn LOTUS của Việt Nam, LEED của Mỹ và Tiêu chuẩn EDGE của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới.
Ngoài ra, còn có một số tiêu chuẩn khác ít phổ biến tại nước ta như: GREEAM (Anh), Green Star (Úc), GBI (Malaysia), CASBEE (Nhật), HQE (Pháp), Green Mark (Singapore),… cũng được dùng để đánh giá công trình xây dựng xanh.
LEED được xem là hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh uy tín và được các quốc gia áp dụng phổ biến nhất. Vì thế nên sẽ giới thiệu một vài tiêu chuẩn của LEED.
1. TIÊU CHUẨN LEED ĐƯỢC ÁP DỤNG CHO CÁC MÔ HÌNH
- Công trình xây mới và cải tạo quy mô lớn; bao gồm: nhà ở, chung cư cao tầng, công trình phi nhà ở, công trình công nghiệp.
- Công trình đang vận hành.
- Không gian nội thất.
- Quy hoạch khu vực.
- Thành phố và khu cộng đồng.
2. QUÁ TRÌNH CHỨNG NHẬN LEED CẦN ĐÁP ỨNG TỐI THIỂU CÁC YÊU CẦU
- Tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về môi trường
- Phải đáp ứng yêu cầu về diện tích sàn
- Đáp ứng tối thiểu công suất xây dựng về số lượng người dùng
- Duy trì ranh giới xây dựng hợp lý
- Là một tòa nhà vĩnh cửu
- Chia sẻ dữ liệu sử dụng năng lượng và nước
- Phải có tỷ lệ xây dựng tối thiểu giữa tòa nhà và khu đất
3. CÁC TIÊU CHÍ CHỨNG NHẬN LEED
- Vị trí và giao thông: Bạn nên tính đến vị trí của dự án và cách kết hợp với phương án vận chuyển trong khu vực.
- Vật liệu và nguồn lực: Tìm kiếm và sử dụng các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời giảm chất thải nhằm nâng cao chất lượng không khí trong nhà.
- Hiệu quả sử dụng nước: Tòa nhà phải được thiết kế sao cho tiết kiệm lượng nước sử dụng hoặc có thể tái sử dụng chúng.
- Năng lượng và khí quyển: Tòa nhà phải tăng cường hiệu suất năng lượng và chất lượng không khí trong nhà và đối với môi trường.
- Tính bền vững: Thiết kế dự án nhằm đưa các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái gần đó có thể tham gia vào thiết kế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Chất lượng môi trường trong nhà: Tăng cường sử dụng ánh sáng ban ngày và thúc đẩy sự thông gió tự nhiên.
- Đổi mới: Bất kỳ ý tưởng nào không nằm trong 5 lĩnh vực chính của LEED.
- Các tiêu chí ưu tiên khu vực: Giải quyết bất kỳ mối quan tâm đặc biệt nào dựa trên vị trí khu vực hoặc địa lý.